(NĐ&ĐS) - Nhóm phóng viên Báo điện tử Nhân đạo & Đời sống đã dành nhiều ngày tại khu vực các "mốc" biên giới của tỉnh Lai Châu để quan sát, thu thập bằng chứng về đường dây vận chuyển hàng lậu qua sông bằng 'cáp treo'…
Vùng biên nơi đây có địa hình hiểm trở, vắng vẻ với đường biên giới kéo dài. Đây quả thực là "thánh địa" cho những kẻ buôn lậu lộng hành. Nơi đây luôn sẵn có đội quân vận chuyển, bốc vác hàng thường trực, ngôn ngữ địa phương thường gọi là "cửu".
Các đối tượng vận chuyển hàng lậu từ xe tải xuống 'cáp treo'.
Quân cửu gồm những người bốc vác chuyên nghiệp, thường xuyên được gọi bốc dỡ hàng hóa, phục vụ cho việc vận chuyển hàng lậu qua lại hai bờ sông - ranh giới của Việt Nam và Trung Quốc.
Lần theo thông tin nhiều đầu cửu được giới thiệu là "uy tín" tại Ma Lù Thàng, chúng tôi đã tiếp cận được với một số chủ các bến xuất hàng tại đây. Thông qua họ, phóng viên phần nào nắm rõ quy luật, giờ giấc hoạt động tại các điểm nóng đường biên.
Một ván cầu được đặt ngay cạnh đường biên giới.
Ở các mốc sâu như “67”, “68” hàng được vận chuyển qua sông bằng 'cáp treo'. Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng tại đây, nó lại trở thành những công việc hiển nhiên, hàng ngày.
Theo quan sát của phóng viên, nhiều chiếc cáp lớn được căng bằng nhiều cách khác nhau qua sông, giữa hai bờ biên giới. Hàng hóa được chất lên những "khoang hàng" rồi được tời kéo qua lại từ nước này sang nước khác. Cứ thế, không biết bao nhiêu thùng carton, bao tải đóng kín được vận chuyển hàng ngày.
Những chiếc trụ sắt kèm vòng tời nằm chênh vênh ở bờ suối đường biên.
Sau nhiều lần “mật phục” bất thành, tối ngày 28/7/2019, phóng viên nhận được thông tin "hàng đang đi" tại một bãi gần mốc 68 (mốc 68 thuộc phạm vi quản lý của trạm biên phòng Lùng Than, đồn biên phòng Dào San). Di chuyển hơn 20km đường tuần biên hiểm trở, sau gần 1h chúng tôi đã có mặt tại đây. Giữa núi rừng hoang vắng, những chiếc xe trọng tải lớn ùn ùn đi lại trong đêm, ánh đèn pin loang loáng rất náo nhiệt.
Hàng được chất lên 'cáp treo', kéo sang bên kia sông, đến nước bạn.
Không thể mô tả hết sự ồn ào, náo nhiệt nơi này. Hàng hóa được nườm nượp vận chuyển qua lại theo phương thức "cáp treo", mà không có bất cứ lực lượng chức năng nào giám sát, ngoại trừ một người mặc quần áo giống như trang phục của bộ đội biên phòng. Khi phóng viên tiếp cận với vai trò của một chủ hàng, xin xuất hàng lậu, người này cho một số điện thoại, nói là của anh H - trạm trưởng….
Có hay không sự buông lỏng, thậm chí tiếp tay của các cơ quan chức năng, để thực trạng buôn lậu lộng hành như vậy. Hàng cấm, ma túy sẽ tiềm ẩn nguy cơ rất cao nếu như được cài cắm trong những chiếc thùng carton, bao tải kín kia, đưa về trong nước. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho vấn đề này? Phóng viên Baonhandao.vn sẽ tiếp tục thông tin.
Trần Anh